Có thể nói, đây là thời kì “hoàng kim” của mối quan hệ Nhật – Việt với sự liên kết và hỗ trợ sâu rộng về nhiều mặt của đời sống - xã hội. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn Nhật Bản làm nơi để phát triển sự nghiệp của mình. Nếu bạn là một trong những người đang ấp ủ giấc mơ tại xứ sở Hoa anh đào thì đây ắt hẳn là bài viết dành cho bạn rồi!
Nhật Bản là một đất nước cực kì văn minh và tiện nghi trên thế giới, thế nhưng trước khi đặt chân lên đất nước này thì các bạn cần phải chuẩn bị những gì để không bị bỡ ngỡ và lúng túng đây, hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Như các bạn đã biết, để có thể sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, bạn phải là đối tượng có đủ những điều kiện cần thiết để được công nhận bởi chính phủ Nhật Bản cũng như có đủ khả năng để tự nuôi sống và bảo vệ bản thân. Chính vì thế, bất kể là bạn sinh sống và làm việc ở Nhật Bản theo dạng nào, bạn cũng nên tích lũy và trau dồi kiến thức của lĩnh vực mình đang học tập và công tác càng nhiều càng tốt để có thể công tác tốt và gặt hái được nhiều thành công hơn trong quá trình làm việc. Đồng thời, bạn cũng đừng quên rằng cho dù bạn giỏi chuyên môn của mình đến đâu đi chăng nữa thì ngôn ngữ vẫn là yếu tố mật thiết quyết định sự cuộc sống của bạn ở Nhật Bản có thuận lợi và suôn sẻ hay không.
Tiếng Nhật là yếu tố quan trọng khi sống và làm việc tại Nhật Bản.
Có rất nhiều những tình huống xung đột đáng tiếc xảy ra giữa người chủ và người lao động nước ngoài ở Nhật Bản là do sự xung đột về ngôn ngữ dẫn đến hiểu lầm giữa đôi bên, kể cả sau khi pháp luật Nhật Bản can thiệp thì cũng không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề, để lại những thiệt thòi cho người lao động. Nguyên nhân của việc này chính là vì người lao động không đủ kiến thức về ngôn ngữ để trình bày và giải thích sự tình cho cảnh sát Nhật Bản biết, dẫn đến việc xét xử không công bằng, thiệt thòi cho người nước ngoài.
Vì vậy, nếu có ý định sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, một trong những điều quan trọng đầu tiên là hãy cố gắng học tiếng Nhật thật tốt, hãy hình dung nếu chúng ta có thể giao tiếp hiệu quả với người bản xứ, chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề khi ở Nhật Bản, có thêm nhiều bạn bè, cũng như có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc hơn phải không?
Lời khuyên cho các bạn là nên đọc thật nhiều các bài viết và tài liệu viết về cuộc sống, văn hóa, con người Nhật Bản như: văn hóa xếp hàng, cách chào hỏi hàng xóm, cách chào hỏi cấp trên, văn hóa đi tàu điện, văn hóa mua hàng, cách ứng phó khi có động đất,... để chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức kha khá, đủ để không bị hoảng loạn khi thiên tai xảy ra bất ngờ, hoặc “shock văn hóa” trong thời gian đầu làm quen với văn hóa - đất nước - con người Nhật Bản nhé.
Hơn nữa, Nhật Bản vốn là môt đất nước văn minh bậc nhất thế giới, cho nên việc hiểu biết về luật pháp Nhật Bản cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi sinh sống và làm việc ở đây. Vì vậy, bạn cũng nên tìm hiểu thêm và nắm vững những kiến thức về luật lao động đối với người nước ngoài, luật giao thông, hợp đồng thuê nhà,...
Kiến thức văn hóa - xã hội Nhật Bản là việc rất quan trọng.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là bạn nên xác lập rõ mục tiêu đến Nhật Bản của mình và lập ra bản kế hoạch chi tiết để thực hiện mục tiêu ấy. Ví dụ trong vòng bao nhiêu năm bạn sẽ đạt đến vị trí A trong công ty, và tích lũy được bao nhiêu tài sản, và để đạt được mục tiêu đó, bạn cần phải cố gắng như thế nào?... Xác định rõ mục tiêu sẽ giúp bạn có thêm động lực để cố gắng và vượt qua những chướng ngại trong quá trình sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Dưới đây là những thứ mà mình nghĩ bất kì ai đến Nhật Bản cũng cần phải tham khảo để chuẩn bị cho những bước đầu tiên của một cuộc hành trình dài hơi ở xứ sở mặt trời mọc.
- Giấy tờ quan trọng: Hộ chiếu, giấy phép lái xe, bằng cấp, ảnh thẻ 3x4 và 4x6 (cả file ảnh thẻ để in lại nếu cần)
- Tiền: Bạn nên đổi tiền sang đồng Man của Nhật Bản tại các ngân hàng trong nước hoặc các tiệm vàng lớn ở Q1 và Q3. Bạn nên làm 1 thẻ JCB debit để có thể rút tiền mặt hoặc quẹt thẻ khi bạn không mang theo tiền mặt theo. Người thân của bạn ở Việt Nam cũng có thể dễ dàng “chi viện” cho bạn một cách nhanh chóng khi bạn cần tiền gấp bằng cách qua thẻ JCB này.
- Vật dụng cá nhân: chỉ nên mang những đồ thật sự cần thiết vì ở Nhật Bản có rất nhiều của hàng đồng giá 100 yên, có bán tất tần tật những thứ linh tinh bạn cần. Quần áo bạn nên mang càng ít càng tốt, sang mùa nào mang quần áo mùa đó, vì cách ăn mặc của người Nhật khác với Việt Nam nên sau này bạn sẽ mua những bộ quần áo phù hợp với môi trường ở Nhật. Bạn cũng nên sắm một bộ Vest đi làm nếu cần gấp.
Cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và hành trang trước khi sống và làm việc tại Nhật Bản.
- Laptop, điện thoại, đồ điện tử: Bạn có thể mang laptop đang dùng sang. Điện thoại của bạn nếu là bản quốc tế thì mới có thể sử dụng sim ở Nhật Bản, nếu không bạn nhất định phải mua điện thoại mới. Đồ điện tử ở Nhật chỉ sử dụng điện áp 100V, thế nên bạn chỉ nên mang theo những thứ thật sự cần thiết có thể dùng điện áp 100V, còn lại có thể mua ở shop 100 Yên.
- Đồ ăn: bạn nên mang đồ khô, đồ ăn vặt mà bạn thích, những gia vị ở Việt Nam bạn sử dụng để nấu nướng (vì đồ bên Nhật rất khó giống mùi vị Việt Nam)
- Thuốc, thực phẩm chức năng: nếu bạn đang điều trị bệnh ở Việt Nam thì mang thuốc và bệnh án của bạn ở Việt Nam sang Nhật điều trị sau khi đóng bảo hiểm. Bạn cũng có thể mang theo thuốc đau bụng berberin, dầu gió, vitamin C.
Cuối cùng, dù sao đi nữa thì đối với những bạn lần đầu tiên đến sinh sống và làm việc tại Nhật Bản thì đây cũng là một môi trường hoàn toàn mới, với một nền văn hóa, khí hậu khác xa với Việt Nam. Thế nên các bạn cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thật tốt để đón nhận cũng như ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra nhé. Bên cạnh đó, hãy cố gắng kết bạn thật nhiều và học cách để sống hòa hợp với những người xung quanh, họ có thể giúp bạn vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà và giúp bạn những khi ốm đau hay khó khăn đấy. Chúc các bạn có một khoảng thời gian tuyệt vời tại xứ sở hoa anh đào nhé.
>> Chương trình làm việc tại Nhật Bản với mức lương từ 37-60tr/ tháng.
>> Thông tin tuyển sinh năm 2020 Trường Trung Cấp Tổng Hợp Đông Nam Á