Giải đáp - Hướng nghiệp

Chọn ngành thời hội nhập

TTO - Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại

Sinh viên ngành kỹ thuật y sinh tiếp xúc các thiết bị y tế. Ảnh: Ngọc Tuyền 

Theo đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỉ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. Đồng thời điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 Chính phủ đã xác định ba nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các cùng lãnh thổ sẽ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi  gồm bốn vùng kinh tế trọng điểm và năm khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.

Ngành dịch vụ cần nguồn nhân lực lớn nhất

Theo kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP.HCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới).

Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%. Trong tổng nhu cầu nhân lực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất 67%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 31%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 2%; khu vực kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng 5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 70%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 25%.

Trong tổng nhu cầu nhân lực, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 17%, chín nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 42%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 41%. Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế - tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.

Phân tích xu hướng nhu cầu nhân lực TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 đến năm 2025 theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tập trung phát triển bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và chín ngành kinh tế dịch vụ chủ lực, ngoài ra còn tập trung vào các nhóm ngành khác như: Truyền thông – quảng cáo – marketing; dịch vụ - phục vụ; quản lý – hành chính – nhân sự; dệt may – giày da – thủ công mỹ nghệ; dịch vụ phục vụ; kiến trúc – xây dựng – môi trường; nông – lâm – thủy sản; khoa học – xã hội – nhân văn.

5 nhóm ngành nghề mới

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. AEC cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực. Có tám ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực Hiệp định công nhận kỹ năng nghề trong tám ngành này giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đó là kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.

Quá trình phát triển thị trường lao động trong giai đoạn các năm tới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập làm thay đổi một số cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Dự báo xu hướng phát triển như sau:

1. Nhóm ngành công nghệ thông tin: trong giai đoạn hội nhập ASEAN sẽ có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như: bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.

2. Nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật: sự kết hợp giữa nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật dẫn đến sự xuất hiện một số nhóm ngành như: kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật.

3. Nhóm ngành quản trị kinh doanh - tài chính – ngân hàng: xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như: quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp – công nghệ kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội – kinh doanh, tư vấn tài chính cá nhân, quản lý dự án khoa học môi trường – hàng không, logistic, quản lý văn phòng cao cấp…

4. Nhóm ngành khoa học xã hội: sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học xã hội với các nhóm ngành khác như pháp luật, giáo dục như: tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý…

5. Nhóm ngành y tế: xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế hình thành các nhóm ngành mới như:  quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gen…

Các nhóm ngành mới xuất hiện trong giai đoạn 2015 – 2020 đến 2025 đều chú trọng đến tính chuyên sâu, đó là sự kết hợp giữa hai hay nhiều nhóm ngành cũ với nhau trên cơ sở cải tiến, nâng cao chất lượng trong đào tạo, kết hợp rèn luyện tay nghề. Các nhóm ngành này chú trọng đến khả năng ứng dụng vào trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật. Nguồn nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này đa số là nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ. Điều này cũng đặt ra những thách thức cho nhân lực của TP.HCM trong giai đoạn hội nhập kinh tế ASEAN và quốc tế.           

10 ngành công nghiệp chủ yếu

Quy hoạch đề ra mục tiêu, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Quy hoạch tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: cơ khí - luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may-da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí. Điểm mới của quy hoạch giai đoạn này định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào ba ngành gồm cơ khí - luyện kim; điện tử - tin học, dệt may - da giày. Trong đó xác định xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

Quy hoạch phân bố theo không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó xác định: Vùng Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim. Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử. Vùng duyên hải miền Trung (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển.

Vùng Tây nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Đông Nam bộ (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long), tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ.

TRẦN ANH TUẤN (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)